Xe máy và điện thoại di động
Có thể nói, xe máy và điện thoại di động là hai phương tiện phục vụ nhu cầu cá nhân rất được nhiều người ưa thích, nhưng người Việt Nam ưa thích hơn cả, có lẽ vì tính tiện dụng, cơ động của nó. Nhưng ở nhiều nước, tính tự giác và tôn trọng luật pháp khá cao nên người ta không tùy tiện sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông.
Ra đường, rất dễ bắt gặp hình ảnh người tham gia giao thông ở nước ta vừa chạy xe máy vừa nói điện thoại di động oang oang. Theo báo cáo hàng năm được Tổ chức Y tế thế giới công bố, ở Việt Nam trung bình hàng năm có hơn 11 nghìn người chết và hơn 10 nghìn người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT). Tuy tai nạn có giảm trong một số tỉnh, thành phố, nhưng theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 9 tháng đầu năm nay, có gần 7 nghìn trường hợp ở 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chết vì TNGT. Không thấy thống kê và phân tích trong hàng nghìn người bị tử vong do TNGT đó, có bao nhiêu trường hợp đi xe máy phạm luật giao thông và vừa đi xe máy vừa nói chuyện điện thoại? Nhưng tôi tin con số đó là không nhỏ!
Tôi nhớ có một vụ án về TNGT gây chết người ở Malaysia cách đây vài năm. Luật sư đã lấy tài liệu từ tổng đài điện thoại và đối chiếu với biên bản hiện trường để chứng minh trước tòa rằng người đi xe đã tông chết thân chủ của ông ta (chính xác cả ngày giờ và từng phút trên bản tính cước điện thoại) chính lúc người này vừa chạy xe vừa nói chuyện điện thoại.
Người gây tai nạn đã vi phạm điều cấm khi lái xe và bị án đúng hình phạt.
Ở nhiều nước, nói chuyện điện thoại và uống rượu bia khi lái xe đều bị nghiêm cấm bởi căn cứ vào nhiều nghiên cứu cho thấy, nói chuyện điện thoại khi lái xe giảm độ tập trung khá cao và làm chậm tốc độ xử lý các tình huống khẩn cấp. Luật Giao thông đường bộ của Việt Nam tại Điểm c, Điều 30 quy định người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi: sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 171/2013. Tại Điểm h, Khoản 1, Điều 6 nghị định này quy định phạt tiền 60 - 80 nghìn đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy thực hiện một trong các hành vi vi phạm về sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh khi điều khiển phương tiện giao thông.
Người học để lấy bằng lái xe máy chắc ai cũng đã học và làm bài thi những quy định đó. Cảnh sát giao thông lại càng nắm vững hơn!...
Nhưng luật là luật, còn vi phạm vẫn vi phạm trước sự làm ngơ của những người thi hành công vụ. Lâu thành quen. Và chắc bạn đọc cũng từng chứng kiến nhiều cảnh sát giao thông vẫn nói điện thoại khi chạy xe trên đường.
Luật pháp có “đi vào cuộc sống” hay không, chính là câu trả lời từ những mô tả nêu trên. Luật sẽ có hiệu lực khi mà người sử dụng các tiến bộ công nghệ biết từ bỏ các nhu cầu mang tính bản năng để khép mình vào quyền lợi chung của cộng đồng.
Luật cũng sẽ tạo ra an toàn xã hội khi người thi hành công vụ biết làm gương và hành xử luật pháp vì mục đích chung là vậy!